Bán bảo hiểm qua Tiki, Shopee... đã có những khởi đầu
(ĐTCK) Khoảng 4 năm trở về trước, quy trình tư vấn bán hàng phổ biến để phát hành một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường bắt đầu bằng việc đại lý bảo hiểm gặp trực tiếp khách hàng, mang theo một đống tài liệu, giấy tờ và diễn giải cho khách hàng hiểu về gói sản phẩm và mọi sự trao đổi, tư vấn cũng đều được ghi lại trên giấy rồi mang về Công ty.
Sau khi hoàn thành giấy yêu cầu tham gia bảo hiểm, hồ sơ này sẽ được chuyển tới bộ phận phát hành hợp đồng, thẩm định, nếu đủ điều kiện sẽ được in ra và trở thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Sau đó, đại lý trực tiếp mang đến cho khách hàng.
ADVERTISEMENT
Đó là câu chuyện của quá khứ, còn hiện tại, với các ứng dụng công nghệ như ePOS (Manulife), Genova (Generali), hay đơn giản hơn là các thiết bị thông minh như điện thoại di dộng, máy tính bảng…, công việc của đại lý bảo hiểm trở nên đơn giản, gọn nhẹ, thậm chí là không cần giấy tờ.
Thực tế này cho thấy, số hóa đang khiến diện mạo ngành bảo hiểm thay đổi nhanh chóng theo hướng này một mới mẻ, hiện đại hơn.
“Hiện tại, thay vì sử dụng các biển hiệu, công cụ marketing truyền thống, chúng tôi thực hiện marketing qua các kênh số hóa và online. Đây là chiến lược marketing duy nhất của chúng tôi”, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife chia sẻ.
Đối với việc mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, chỉ khoảng 3 năm trước, việc "ngồi nhà, lướt web" để mua bảo hiểm cũng ít được tính đến, bởi mọi người vẫn mặc định bảo hiểm là dịch vụ đặc thù, khó hiểu, nên cần phải được trực tiếp tư vấn, giải thích cặn kẽ...
Tuy nhiên giờ đây, khách hàng không chỉ dễ dàng mua được trên trang web của hầu hết các công ty bảo hiểm, mà còn có thể mua trên các trang thương mại điện tử.
FWD mở màn xu hướng bán bảo hiểm qua trang thương mại điện tử Tiki và giờ có thêm Manulife và Generali bán qua Shopee. Dù vậy, các sản phẩm được bán trực tuyến chủ yếu là các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, quy trình thực hiện dễ dang...
“Khách hàng chỉ cần trả lời 5 câu hỏi thẩm định đơn giản và thực hiện các bước mua sản phẩm trong khoảng 5 phút là đã có ngay hợp đồng bảo hiểm với quyền lợi bảo vệ lên đến 500 triệu đồng, thời hạn đổi trong đến 21 ngày...”, Generali Việt Nam thông tin.
“Ngày càng có nhiều công ty bảo hiểm đầu tư vào các sản phẩm số hóa và công cụ số hóa. Những hoạt động này vừa đem lại trải nghiệm dễ dàng hơn cho khách hàng, vừa giúp các công ty bảo hiểm tiết kiệm được chi phí...”, CEO BIDV MetLife nhìn nhận.
Chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí với chủ đề “Hành trình chuyển đổi” được tổ chức mới đây, ông Kevin Kwon, Giám đốc Khối Nghiệp vụ Manulife Việt Nam cho biết, dựa trên nền tảng công nghệ kiến trúc tập trung đã được xây dựng từ nhiều năm trước, hiện Công ty bắt đầu thực hiện chuyển đổi trải nghiệm khách hàng xuyên suốt các quá trình, từ giai đoạn tìm hiểu nhu cầu bảo hiểm đến yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
"Ở mỗi giai đoạn, chúng tôi đều có các giải pháp số hóa hỗ trợ như PWS - website cải tiến theo trải nghiệm người dùng, CWS - cổng thông tin khách hàng, ePOS - ứng dụng cung cấp giải pháp theo nhu cầu của khách hàng, eClaims giúp khách hàng nộp yêu cầu bồi thường trong vòng 1 phút và ứng dụng Genie - trợ lý số hóa dành cho đại lý chuyên nghiệp... để phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng nhất", ông Kevin Kwon nói và chia sẻ thêm, chỉ sau 6 tháng triển khai, tỷ lệ nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm qua eClaims đạt 66%.
Theo đại diện Manulife Việt Nam, chuyển đổi công nghệ không đơn thuần là đưa ra một ứng dụng, mà là phát triển một nền tảng kết nối để trải nghiệm khách hàng được dễ dàng, thuận tiện và quan trọng hơn là sự thay đổi thực sự mang lại giá trị hữu ích và khách hàng cảm nhận được điều đó.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, công nghệ kỹ thuật số là phương tiện giúp các hãng bảo hiểm vừa đạt hiệu suất kinh doanh cao hơn, vừa phục vụ khách hàng tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuận là công nghệ là chưa đủ, sự chuyển biến thực sự nằm trong nhận thức, cách nghĩ của chính những người làm chủ cuộc chơi.
Ngọc Lan