Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau sửa lỗi “chấn chỉnh giáo viên đi bán bảo hiểm”
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau vừa ra công văn số 2243/SGDĐT về việc sửa một số nội dung tại công văn số 2150/SGDĐT ngày 25/10/2019. Công văn do ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở ký.
Sở dĩ có sự sửa đổi này là do phản ứng của dư luận và các hãng bảo hiểm trước việc Sở hạn chế không đúng về hoạt động các giáo viên tham gia mua, bán bảo hiểm...
Cụ thể, theo công văn 2150, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo như tham gia hoạt động “tín dụng đen”, bán hàng đa cấp... trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của ngành thời gian qua diễn biến phức tạp.
Để ngăn ngừa tình trạng này, Sở yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học chấn chỉnh ngay tình trạng công chức, viên chức “làm thêm” không đúng quy định như tham gia mua, bán bảo hiểm, cho vay tiền online lãi suất cao, sử dụng các giao dịch theo hình thức đa cấp...
“Cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, báo cáo về Sở những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật, hay những dấu hiệu bất thường để có ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời…”, công văn 2150 nêu.
Công văn 2243 ngày 4/11/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau.
Trong bối cảnh một bộ phận giáo viên, bao gồm cả giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bỏ nghề để đi bán bảo hiểm, thậm chí tham gia vào những hoạt động vi phạm pháp luật như tín dụng đen, bán hàng đa cấp bất chính..., nên việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau ra công văn chấn chỉnh là điều dễ hiểu, nhưng có lẽ động thái can thiệp có phần “hơi sâu” của cơ quan này là nguồn cơn gây nên phản ứng.
“Chúng tôi hiểu văn bản trên như một hành động nhằm siết lại việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, sử dụng có hiệu quả thời gian và quy chế làm việc của các đơn vị, trường học, nhưng thực tế là chúng tôi đang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận khách hàng kể từ khi công văn được ban hành”, một tư vấn tài chính - bảo hiểm nhân thọ bộc bạch.
Chị Nguyễn Thu Hương, một tư vấn viên bảo hiểm khác chia sẻ, động thái chấn chỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau có thể xuất phát từ những lình xình xảy ra trước đó liên quan đến việc cho vay online lãi suất cao của một số giáo viên tại TP. Cà Mau, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục nói chung và sở này nói riêng, bên cạnh việc quá tập trung vào “việc làm thêm” mà bê trễ “công việc chính”.
“Theo mình thì nghề nào cũng tốt, nhưng làm bảo hiểm giúp mình có thu nhập cao hơn, môi trường cũng năng động hơn…”, chị Thanh Vân, một giáo viên từng có hơn 10 năm giảng dạy tại một trường danh tiếng của Cà Mau, nay là một tư vấn viên bảo hiểm cho hay.
Theo chuyên gia bảo hiểm Hoàng Gia Phong, không xét đến việc cố tình hay vô ý tham gia tham vào các hoạt động kinh doanh bị cấm, nhưng lương thấp là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên bỏ nghề để chuyển sang những công việc có thể mang lại thu nhập cao hơn, trong đó có bán bảo hiểm.
Một chuyên gia lâu năm của ngành cho rằng, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, mọi công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp, thì đều được phép thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm.
Nếu các cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên… thỏa mãn các điều kiện này thì đều được tham gia tư vấn bảo hiểm.
“Bảo hiểm là một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần đảm bảo an toàn tài chính, an sinh xã hội… Nhiều năm qua, ngành bảo hiểm mỗi năm đầu tư trở lại nền kinh tế, cũng như chi trả đáo hạn, rủi ro cho khách hàng hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Ngành bảo hiểm đã và đang được Chính phủ quan tâm, có chiến lược phát triển ngày càng lớn mạnh để tăng tỷ lệ người dân có bảo hiểm nhân thọ, nên mọi hành vi ngăn cản cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động tư vấn, mua, bán bảo hiểm đều không được phép”, vị trên nhấn mạnh.
Các tư vấn viên tài chính - bảo hiểm cũng cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên… trong các cơ sở giáo dục, trường học đều được tham gia các công việc làm thêm, miễn là những hoạt động đó pháp luật không cấm, không gây ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng giáo dục, đào tạo, không diễn ra trong phạm vi địa lý của các cơ sở giáo dục hay trường học, nhằm mục đích có thêm nguồn thu nhập chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình…
Trước phản ứng trên, ngày 4/11 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đã ra công văn mới điều chỉnh nội dung công văn cũ, trong đó bỏ dòng “Chấn chỉnh ngay tình trạng công chức, viên chức ‘làm thêm’ không đúng quy định, như: Mua, bán bảo hiểm....”, mà chỉ nêu chung chung là “Chấn chỉnh, xử lý kịp thời tình trạng công chức, viên chức ‘làm thêm’ không đúng quy định”.
Nguồn : Tinnhanhchungkhoan.vn