Vì sao khi xin visa phải mua bảo hiểm?
Khi xin visa vào một số quốc gia, khách du lịch có thể được đại sứ quán nước đó yêu cầu phải mua bảo hiểm du lịch quốc tế có đầy đủ các quyền lợi về tai nạn, ốm đau, hỗ trợ y tế… với các mức chi trả, bồi thường cụ thể.
ADVERTISEMENT
Tuy nhiên, với rất nhiều khách du lịch, nhất là những người lần đầu đi du lịch nước ngoài, việc mua sản phẩm này dường như chỉ để đáp ứng thủ tục xin visa, chưa thực sự quan tâm tới ý nghĩa, lợi ích của sản phẩm. Vậy bảo hiểm du lịch có thực sự cần thiết đến mức nhiều quốc gia phải đưa ra yêu cầu bắt buộc?
Bảo hiểm du lịch thuộc sản phẩm bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên, với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là yêu cầu bắt buộc để xin visa hoặc nhập cảnh. Có thể kể đến như các nước thuộc khối Schengen (một số quốc gia châu Âu), Mỹ, Úc, Nhật Bản, Nga, Cuba, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ…
Ngay trong khối ASEAN, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đang có kế hoạch đề xuất bắt buộc tất cả khách du lịch phải có bảo hiểm du lịch trước khi được cấp thị thực nhập cảnh.
Cụ thể, những khách du lịch tới thăm Thái Lan sẽ được yêu cầu mua gói bảo hiểm 500 baht (khoảng hơn 16 USD) khi tiến hành các thủ tục xin thị thực của Thái Lan. Đề xuất này xuất phát từ việc khách du lịch đến Thái Lan không có bảo hiểm du lịch đã phải chi trả khoảng 88 triệu USD/năm khi điều trị tại các bệnh viện.
Tại Việt Nam, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều cung cấp các gói bảo hiểm du lịch nhằm đáp ứng tất cả yêu cầu của các đại sứ quán. Quyền lợi bảo hiểm rất đa dạng, giúp khách du lịch ứng phó với rủi ro trong các chuyến đi như: Chi trả bảo hiểm trong trường hợp tai nạn; trả chi phí y tế, trợ cấp nằm viện; bồi thường trong các trường hợp thất lạc, hư hỏng hoặc mất cắp hành lý, tư trang; trách nhiệm đối với bên thứ ba; bị trì hoãn chuyến đi; mất tiền cọc hay hủy bỏ chuyến đi; rút ngắn chuyến đi…
Các công ty bảo hiểm ở Việt Nam cũng chú trọng thiết kế sản phẩm bảo hiểm du lịch, với 3 chương trình bảo hiểm cơ bản, nâng cao, toàn diện với các mức quyền lợi và phí bảo hiểm linh hoạt, chi trả tối đa lên tới 4 tỷ đồng, trong khi phí chỉ khoảng 1 USD/ngày.
Vì sao còn e ngại?
Trao đổi với nhiều khách du lịch, bên cạnh việc chưa hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích, phạm vi của bảo hiểm du lịch, tâm lý e ngại về chất lượng dịch vụ của các công ty bảo hiểm cũng như việc sẽ được hỗ trợ ra sao khi đang ở nước ngoài cũng là một trong những lý do chính khiến khách du lịch không mua hoặc không thực sự mặn mà đối với sản phẩm này.
Theo đại diện một công ty bảo hiểm nhân thọ, tâm lý này của khách hàng là dễ hiểu, Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đang phát triển rất nhanh, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm cũng rất lớn, trong đó, chất lượng dịch vụ chính là yếu tố then chốt để các công ty thu hút khách hàng thành công. Khi mua bảo hiểm nói chung và bảo hiểm du lịch nói riêng, khách hàng hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng dịch vụ, đồng thời sẽ được tư vấn để lựa chọn các gói bảo hiểm phù hợp nhất.
Tại nước ngoài, khách hàng cũng không cần lo lắng khi có rủi ro xảy ra, bởi rất nhiều công ty bảo hiểm đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cứu trợ Quốc tế SOS. Khách hàng sẽ được hưởng các dịch vụ cứu trợ y tế và hỗ trợ du lịch của SOS trên phạm vi toàn cầu.
Việc mua bảo hiểm du lịch mặc dù là yêu cầu bắt buộc tại một số quốc gia, nhưng lại bắt nguồn từ chính lợi ích của khách du lịch. Do đó, khách du lịch không nên bỏ qua hạng mục này ngay cả khi tới những quốc gia không yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm, thậm chí là du lịch trong nước.
“Chi phí mua bảo hiểm du lịch chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng chi phí của mỗi chuyến đi (khoảng 1%)”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá.
Hải Nguyễn
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan