Vì sao quảng cáo Facebook đang tốt lại đột ngột “dở chứng” ?
Mỗi ngày mình kiểm tra tin nhắn Facebook, có nhiều bạn hỏi mình: Vì sao quảng cáo của em hôm qua chạy rất tốt, em không làm gì đến nó mà hôm nay lại trở nên củ chuối ?
Đầu tiên mình xin nói, hiện tượng này là hoàn toàn bình thường đối với người chạy quảng cáo Facebook, dù là newbie hay pro đi chăng nữa thì cũng không tránh khỏi.
Hôm nay mình sẽ đưa ra một vài lý do để giúp bạn hiểu tại sao lại có hiện tượng này, và có cách đối phó phù hợp, đặc biệt là những bạn mới chưa có kinh nghiệm.
1. Chạy liên tục 1 bài quảng cáo cũ cho một tệp khách hàng
Các bạn mới chưa có kinh nghiệm, thường có thói quen tạo một quảng cáo duy nhất, một bài post duy nhất và chạy liên tục cho một tệp khách hàng. Ban đầu nếu bạn may mắn, thì quảng cáo Facebook sẽ mang về đơn hàng cho bạn.
Tuy nhiên, điều tốt đẹp này đột nhiên biến mất, bạn không hề tác động hay thay đổi gì vào quảng cáo, nhưng quảng cáo vẫn cứ củ chuối, không ra đơn nữa.
Bạn có thấy chán với bài post của chính bạn không ? Bạn chán một thì khách họ chán tới 10 luôn.
Họ chán thì sẽ không tương tác gì nữa, vô tình làm cho quảng cáo của bạn cứ tiếp cận nhưng không nhận được tương tác của khách hàng.
Cách giải quyết:
* Thường xuyên thay đổi nội dung quảng cáo để bắt mắt hơn, hấp dẫn hơn.
* Suy nghĩ ra nhiều chương trình khuyến mãi.
* Quảng cáo nhiều loại sản phẩm, mặt hàng khác nhau cho cùng tệp khách hàng.
2. Đối thủ cạnh tranh tệp khách hàng với bạn
Bạn có 1 tệp khách hàng là những người yêu thích chó mèo, 10 người cùng chạy quảng cáo cho tệp này, sẽ khác với việc chỉ có 5 người cùng chạy quảng cáo cho nó. Đây cũng là một trong những lí do quảng cáo của bạn sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn.
CPM một chiến dịch quảng cáo của mình là 14,94$
Về mức độ cạnh tranh trong một tệp khách hàng, bạn có thể theo dõi ở chỉ số CPM mà mình có nói trong bài viết Thuật ngữ cơ bản khi quảng cáo Facebook.
Mỗi giờ trôi qua, số lượng đối thủ nhào vô tệp khách hàng của bạn đều sẽ thay đổi, có thể ít hơn, có thể nhiều hơn. Bạn có thể theo dõi ở chỉ số CPM, CPM càng cao thì chứng tỏ tệp khách hàng của bạn đang khá cạnh tranh, có nhiều người cùng xâu xé một miếng bánh.
Cách giải quyết:
Lúc này, chúng ta không cần đối đầu với đối thủ làm gì, vì quảng cáo Facebook là cuộc chơi của vốn lớn.
Bạn hãy triển khai chiến lược tiếp thị lại trên Facebook, đây chính là lượng khách hàng mà bạn có thể quản lý được.
3. Facebook đang thay đổi thuật toán
Hay bạn còn hay nghe trong nghề gọi là “Facebook tới tháng”. Thật sự việc này là hoàn toàn bình thường, có thể nói Facebook update thuật toán là liên tục.
Khi Facebook thay đổi thuật toán, họ không có thông báo chính thức cho nhà quảng cáo, chỉ có chúng ta tự chạy quảng cáo nhiều kinh nghiệm thì đoán được thôi.
Không nhất thiết là thay đổi thuật toán quảng cáo, nhiều lúc là tính năng mới, thay đổi giao diện thì quảng cáo cũng bị ảnh hưởng.
Việc thay đổi thuật toán có thể kéo dài từ không có thời gian cố định, hoàn toàn phụ thuộc vào Facebook mà thôi.
Bạn có thể tham gia vào các group về Facebook Marketing như Cộng đồng Thanhthinhbui.com để nghe ngóng tình hình mọi người thảo luận về Facebook Ads.
4. Khách hàng chủ động từ chối quảng cáo của bạn
Có thể vì một lí do nào đó, có thể là quảng cáo của bạn khiến họ không thích, bực bội thì họ sẽ nhấn vào nút Ẩn quảng cáo. Khi khách hàng ẩn quảng cáo, Facebook sẽ hiểu quảng cáo của bạn không phù hợp cho khách hàng và sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của chiến dịch quảng cáo.
Tuy nhiên, không phải 1-2 khách hàng làm vậy là bạn sẽ bị ảnh hưởng, phải kha khá tầm vài chục người như vậy thì Facebook sẽ bắt đầu xem xét lại quảng cáo của bạn.
Bạn cũng có thể xem được các phản hồi tiêu cực về bài viết từ khách hàng theo 2 bước:
Bước 1: Bạn nhấn vào lượt tiếp cận ở bài post của Trang.
Bước 2: Bạn xem ở phần dưới cùng sẽ thấy phản hồi của từng hành động cụ thể.
Dựa vào đây, bạn hoàn toàn có thể quản lý được những phản hồi tiêu cực của khách hàng.
Cách giải quyết:
* Điều chỉnh lại nội dung bài quảng cáo cho phù hợp, không kích động, không xuyên tạc đá xoáy bất cứ ai, tổ chức nào.
* Không quảng bá lố với sự thật. Bạn có thể xem thêm phần quy định về nội dung khi quảng cáo trên Facebook tại đây.
5. Không tiếp cận khách hàng bằng nhiều hình thức quảng cáo
Bạn vẫn có thể truyền tải 1 nội dung cho 1 tệp khách hàng. Tuy nhiên, bạn hãy thay đổi cách quảng bá bằng các hình thức như quảng cáo trên Facebook Messenger, quảng cáo trên Instagram,…
Một số bạn mới chưa rành thao tác quảng cáo trên Facebook chỉ biết chạy Tương tác (PPE), tăng like Fanpage rất cơ bản. Đối với những cách chạy quảng cáo như thế thì bạn sẽ không có gì khác biệt so với đối thủ cả.
Vì vậy, mình đã chuẩn bị sẵn cho bạn 2 hình thức quảng cáo trên Facebook khá mới lạ mà thao tác lại đơn giản, phù hợp cho newbie ngay bảng xanh phía trên.
6. Không đủ tiền thanh toán Facebook
Đây là sai lầm nhiều bạn mắc phải. Khi bạn gặp được một chiến dịch chạy tốt, hiệu quả cao thì bạn phải xem như gặp được vàng, phải tìm cách để giữ lấy.
Bản thân mình khi có chiến dịch quảng cáo tốt, việc đầu tiên mình làm đó là kiểm tra lại số dư trong thẻ Visa để thanh toán cho Facebook.
Nếu bạn không chuẩn bị đủ tiền trong thẻ, thì khi bạn đạt ngưỡng thanh toán rất có thể quảng cáo của bạn bị dừng đột xuất.
Khi quảng cáo của bạn bị ngừng, dù bạn có bật lại quảng cáo, thì chất lượng cũng sẽ không còn như ban đầu nữa. Bật tắt quảng cáo sẽ khiến cho Facebook thuật toán lại từ đầu, không còn tốt như lúc trước.
Đừng để một chút bất cẩn của bản thân làm ảnh hưởng cả một chiến dịch quảng cáo Facebook.
7. Vi phạm chính sách quảng cáo trên Facebook
Có những lúc chiến dịch của bạn rất tốt nhưng vi phạm chính sách quảng cáo Facebook, có thể bạn biết hoặc không biết. Bạn lưu ý chỗ này giúp mình:
Facebook không thể kiểm tra chính xác hết tất cả các bài quảng cáo Facebook, chỉ có khi nào người dùng báo cáo với Facebook. Lúc đó, Facebook sẽ bắt đầu xem xét lại quảng cáo của bạn.
Cho nên có nhiều bạn cũng thắc mắc với mình: Tại sao quảng cáo của em đang chạy tốt mà bị ngưng do vi phạm chính sách?
Chính là lí do đó, Facebook cho chạy rồi nhưng vẫn có thể ngưng được, đơn giản là bài quảng cáo chúng ta đã sai ngay từ ban đầu rồi.
8. Không tương tác phản hồi với khách hàng
Khi quảng cáo đang chạy tốt, bạn phải tích cực phản hồi lại các bình luận của khách hàng, kể cả các inbox của khách.
Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của mình. Khi chạy quảng cáo nhiều, mình nhận ra có sự khác biệt rất lớn nếu mình chịu khó trả lời bình luận của khách hàng.
Khi bạn liên tục phản hồi bình luận của khách hàng, khách sau đến họ thấy bạn nhiệt tình, họ sẽ thoải mái để lại bình luận: tag tên bạn bè của họ vào, để lại câu hỏi….
Khi khách A bình luận trên bài viết của bạn, thì một số bạn bè của họ cũng sẽ thấy trên Bảng tin, tăng độ tiếp cận tự nhiên cho bài quảng cáo của bạn, ví dụ như bạn này trong friendlist của mình.
Lời kết
Mình đã sơ lược lại cho bạn một số lí do cơ bản dẫn đến việc vì sao quảng cáo của bạn đột nhiên “dở chứng”.
Tất nhiên, mình chỉ đề xuất hướng giải quyết khá cơ bản, trong quá trình chạy quảng cáo bạn có thể sáng tạo được cách làm nào tốt hơn thì hãy chia sẻ cho mọi người ở phần bình luận nhé.
Chào tạm biệt và hẹn gặp lại bạn.