Đang tải...

Vì sao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội không đạt?

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tham gia thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào sáng 22/5, ông đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt thấp hơn dự kiến.
Thưa ông, vì sao ông lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề BHXH trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp Quốc hội lần này?

Tại hầu hết các kỳ họp Quốc hội, tôi đều quan tâm vấn đề bao phủ BHXH và đã nhiều lần có ý kiến phát biểu. Tại kỳ họp này, tôi đặc biệt quan tâm vấn đề này, vì trong khi toàn bộ 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, thì chỉ tiêu phụ là tỷ lệ người lao động tham gia BHXH/tổng số lao động chỉ đạt 26,58%, thấp hơn so với con số mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 là 27-28%.

Quan tâm đến BHXH không phải chỉ là quan tâm tới an sinh xã hội, tới cân đối ngân sách nhà nước hôm nay mà cho cả tương lai, bởi BHXH là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ. Tuy nhiên, việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa được chú trọng và chưa hiệu quả; số người hưởng bảo hiểm một lần tăng nhanh; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm đã được chỉ ra nhiều năm, nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Mặc dù không đạt dự kiến, song không thể phủ nhận tỷ lệ người tham gia BHXH ngày càng tăng?

Tỷ lệ tham gia BHXH năm 2016 đạt 24,6% tổng số lao động, năm 2017 được nâng lên 25,8% và năm 2018 là 26,58%. Như vậy, bình quân mỗi năm, tỷ lệ bao phủ BHXH tăng khoảng một điểm phần trăm. Với tốc độ tăng như vậy, thì khó có thể hoàn thành được Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2021, có khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHXH; 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Tỷ lệ này năm 2025 tương ứng là 45% và 55%.

Ngoài vấn đề trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm, gần đây, nổi lên tình trạng cứ 100 người tham gia BHXH thì có 60 người lấy tiền bảo hiểm một lần và chấm dứt tham gia BHXH. Với tình trạng này thì bao giờ mức độ bao phủ BHXH mới chiếm 50% lực lượng lao động. Những người từ 80 tuổi trở lên không có thu nhập thường xuyên đang được Nhà nước hỗ trợ 270.000 đồng/tháng, nên mỗi năm, ngân sách phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng trợ cấp cho đối tượng này.

Dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh, số lượng người từ 80 tuổi trở lên tăng mạnh và trong thời gian tới, có thể phải hạ độ tuổi được trợ cấp xuống 75 tuổi hoặc 70 tuổi; mức trợ cấp bắt buộc phải tăng do lạm phát và kinh tế tăng trưởng. Điều này khiến ngân sách nhà nước ngày càng nặng gánh khi phải trợ cấp cho những người không có lương hưu.

Theo ông, vì sao năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHXH không đạt dự kiến?

Có 4 lý do khiến tỷ lệ bao phủ BHXH không đạt dự kiến và nhiều khả năng không đạt mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW.

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp cố tình không đóng BHXH cho người lao động, thậm chí họ vẫn trích tiền lương của người lao động (8% tiền lương trả cho người lao động), nhưng không đóng bảo hiểm. Đây là hành vi chiếm đoạt BHXH, theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự, nhưng chưa chủ doanh nghiệp nào bị truy cứu.

Thứ hai, tổ chức đại diện cho người lao động, cụ thể ở đây là công đoàn cơ sở chưa đấu tranh, chưa đòi hỏi quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người lao động, trong đó có việc đòi hỏi, yêu cầu giới chủ phải đóng các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng thanh tra, kiểm tra hoặc có thanh tra, kiểm tra, nhưng không xử lý đến nơi, đến chốn đối với trường hợp vi phạm cố tình trốn, tránh đóng BHXH.

Và cuối cùng, một bộ phận người lao động không muốn tham gia, thậm chí cứ 100 người tham gia thì có đến 60 người lấy bảo hiểm một lần.

Ngoài ra, còn nguyên nhân nữa là chính sách hỗ trợ BHXH chưa phù hợp?

Theo quy định, người tham gia BHXH tối thiểu 20 năm, hết tuổi lao động được hưởng lương hưu. Thời gian đóng bảo hiểm 20 năm là quá dài, vì thế bên cạnh thiết kế cách đóng linh động, phù hợp với nhiều đối tượng, thì nghiên cứu giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 10-15 năm sẽ thu hút được lao động ở khu vực phi chính thức 40-50 tuổi tham gia BHXH tự nguyện.

Chính sách hiện nay cho phép người lao động được lấy bảo hiểm một lần, nên mỗi năm, có 500.000 - 600.000 người lấy BHXH một lần. Chính sách này cần phải được nghiên cứu lại theo hướng chỉ trừ một số ít đối tượng được lấy toàn bộ số tiền BHXH theo quy định, còn lại chỉ được lấy phần mình đóng (8% tiền lương), còn 17% lương trả cho người lao động do chủ sử dụng lao động đóng thì Nhà nước giữ lại để trả lương hưu cho người lao động khi về già.

Có trên 40 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức và đa số chưa tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, 25% (người nghèo, cận nghèo) và 10% mức đóng bảo hiểm. Mức hỗ trợ này quá thấp, nên không khuyến khích người dân tham gia BHXH. Theo tôi, cần nâng mức hỗ trợ, vì ngân sách nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ người dân đóng BHXH tự nguyện bây giờ, thì sau này không phải lo trợ cấp tài chính, không phải mua thẻ bảo hiểm y tế khi họ về già.

Theo Mạnh Bôn
baodautu.vn

Giải pháp Marketing bảo hiểm phù hợp với bạn